Trước thông tin báo chí cho rằng doanh nghiệp đang rất “hoang mang” vì không biết bao giờ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, cũng như hóa đơn giấy được áp dụng đến khi nào, Tổng cục Thuế cho biết, theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực từ 1/7/2022.
Tiếp tục áp dụng hóa đơn giấy đến 30/6/2022
Ngày 19/10/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo nghị định này, kể từ ngày 1/7/2022 tổ chức, cá nhân phải áp dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn giấy đang áp dụng hiện nay sẽ tiếp tục thực hiện đến 30/6/2022.
Hóa đơn giá trị gia tăng đặt in (hóa đơn giấy) sẽ hết hiệu lực áp dụng từ 1/7/2022
Cũng theo Nghị định 123, việc áp dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ 1/7/2022, nên doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày nghị định này ban hành vẫn tiếp tục được sử dụng đến 30/6/2022.
Việc thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ.
Lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử
– Nếu doanh nghiệp chủ động áp dụng hóa đơn điện tử sớm từ bây giờ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý và quản trị doanh nghiệp, từ đó sẽ giảm thời gian, chi phí cho việc kê khai, quản lý, sử dụng, lưu trữ, giao nhận và báo cáo hóa đơn.
– Hạn chế được những sai sót về mất, cháy, hỏng hóa đơn đồng thời giảm những rủi ro và những gian lận khi sử dụng hóa đơn.
– Nâng cao hiệu quả của công tác phân tích, thống kê vào quản lý tài chính, kế toán và kê khai nộp thuế tại doanh nghiêp trên cơ sở tích hợp tích dữ liệu trên hóa đơn với phần mềm kế toán và các phần mềm quản trị doanh nghiệp khác…
– Được hưởng những chính sách giá, khuyến mại tốt từ các nhà cung cấp hóa đơn điện tử. Bởi hiện nay số lượng nhà cung hóa đơn điện tử lớn, nhưng lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử chưa nhiều do luật chưa bắt buộc, nên các nhà cung cấp phải giảm giá và khuyến mại để cạnh tranh…
Trường hợp từ ngày nghị định này được ban hành đến 30/6/2022, nếu cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử, nhưng cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng về hạ tầng công nghệ thông tin, mà tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy thì cơ sở kinh doanh gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo mẫu, cùng với tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Cơ quan thuế xây dựng dữ liệu về hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để phục vụ việc tra cứu dữ liệu về hóa đơn.
Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày nghị định này được ban hành đến ngày 30/6/2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của nghị định này, thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
Như vậy, theo Nghị định 123, việc áp dụng hóa đơn giấy hiện nay vẫn áp dụng đến hạn cuối cùng là ngày 30/6/2022, sau thời điểm này, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Theo ông Lưu Đức Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), tại Khoản 2 Điều 151 Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) quy định hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022. Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao hơn nghị định, và đương nhiên các văn bản hướng dẫn sau đó phải phù hợp với Luật Quản lý số 38.
Doanh nghiệp nên sớm chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử
Cũng theo ông Lưu Đức Huy, mặc dù Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 123 đều quy định thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử bắt buộc từ 1/7/2022, tuy nhiên để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, luật cũng khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1/7/2022.
Nói về tình hình triển khai áp dụng hóa đơn điện tử hiện nay, ông Huy cho biết, sau khi Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 119 được ban hành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 635/QĐ-TCT quy định về thành phần chứa dữ liệu hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang trong quá trình tiếp tục xây dựng quy trình quản lý hóa đơn điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý, áp dụng hóa đơn điện tử. Do đó, để đảm bảo đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc đăng ký, sử dụng, tra cứu và chuyển hệ thống dữ liệu lập hóa đơn điện tử và theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư số 68 thì khi cơ quan thuế chưa thông báo cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, hộ cá nhân kinh doanh chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử, người nộp thuế vẫn áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Mặc dù điều 150 Luật Quản lý thuế số 38 quy định thời hạn mà các tổ chức, cá nhân phải áp dụng hóa đơn điện tử là ngày 1/7/2022, thế nhưng doanh nghiệp nên chủ động sớm thực hiện hóa đơn điện tử.
“Điều 151 Luật Quản lý thuế số 38 cũng khuyến khích người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử trước ngày 1/7/2022 nếu có điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thuận lợi. Điều này cho thấy Luật đã ước lượng thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị, đồng thời Luật đã định hướng doanh nghiệp nên chuẩn bị làm quen dần với quy định về hóa đơn điện tử để tránh sự bỡ ngỡ để hạn chế sai sót có thể xảy ra khi áp dụng chính thức”.
Theo TBTC Online