Trong nền kinh tế mở và điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, giao kết hợp đồng điện tử đang ngày được các doanh nghiệp quan tâm, bởi tiết kiệm được thời gian và chi phí giao dịch, dễ dàng trao đổi dữ liệu và chia sẻ thông tin. Vậy hợp đồng điện tử là gì, có gì khác biệt với hợp đồng truyền thống? Quy trình giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử như thế nào? Khi xảy ra tranh chấp, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử có được công nhận hay không? Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ những quy định của pháp luật có liên quan đến các vấn đề nêu trên.
Khái niệm và đặc điểm, sự giống nhau, khác nhau giữa hợp đồng điện tử với hợp đồng truyền thống
Theo Luật Giao dịch điện tử thì hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu (Điều 33). Thông điệp dữ liệu được hiểu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (khoản 12 Điều 4).
Hợp đồng điện tử có những điểm giống với hợp đồng truyền thống, đó là sự thống nhất ý chí giữa các bên và khi giao kết hay thực hiện đều phải tuân theo các chuẩn mực về hình thức của hợp đồng, chủ thể của hợp đồng, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, chế độ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp phát sinh.
Bên cạnh những điểm chung cơ bản nêu trên, hợp đồng điện tử có nhiều điểm khác biệt với hợp đồng truyền thống, đáng chú ý là:
– Ngoài các chủ thể tham gia trực tiếp vào giao kết hợp đồng là bên mua và bên bán, hợp đồng điện tử còn có bên thứ ba có liên quan chặt chẽ đến hợp đồng điện tử là nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Bên thứ ba này có nhiệm vụ chuyển đi, lưu giữ thông tin giữa các bên tham gia giao dịch điện tử, đồng thời họ cũng có thể đóng vai trò trong việc xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch điện tử.
– Ngoài các địa chỉ pháp lý thông thường, hợp đồng điện tử còn có địa chỉ email, địa chỉ website, địa chỉ xác định nơi, ngày giờ gửi thông điệp dữ liệu.
– Về quy trình giao kết hợp đồng điện tử: Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa hợp đồng điện tử với hợp đồng truyền thống. Hợp đồng truyền thống, giao kết bằng việc các bên gặp trực tiếp, trao đổi với nhau và ký bằng chữ ký tay. Còn hợp đồng điện tử, giao kết bằng phương tiện điện tử và ký bằng chữ ký điện tử. Hai phương thức giao kế hoàn toàn khác nhau làm phát sinh những điểm khác biệt lớn liên quan đến quy trình giao kết.
Quy trình giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử
Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử:
– Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.
– Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng.
– Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.
Giao kết hợp đồng điện tử:
– Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng.
– Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.
Việc gửi, nhận, thời điểm, địa điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử
Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu
Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thoả thuận khác thì thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu được quy định như sau:
– Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo.
– Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.
Nhận thông điệp dữ liệu
Người nhận thông điệp dữ liệu là người được chỉ định nhận thông điệp dữ liệu từ người khởi tạo thông điệp dữ liệu nhưng không bao hàm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu đó.
Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thoả thuận khác thì việc nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:
– Người nhận được xem là đã nhận được thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu được nhập vào hệ thống thông tin do người đó chỉ định và có thể truy cập được.
– Người nhận có quyền coi mỗi thông điệp dữ liệu nhận được là một thông điệp dữ liệu độc lập, trừ trường hợp thông điệp dữ liệu đó là bản sao của một thông điệp dữ liệu khác mà người nhận biết hoặc buộc phải biết thông điệp dữ liệu đó là bản sao.
– Trường hợp trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo có yêu cầu hoặc thoả thuận với người nhận về việc người nhận phải gửi cho mình thông báo xác nhận khi nhận được thông điệp dữ liệu thì người nhận phải thực hiện đúng yêu cầu hoặc thoả thuận này.
– Trường hợp trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo đã tuyên bố thông điệp dữ liệu đó chỉ có giá trị khi có thông báo xác nhận thì thông điệp dữ liệu đó được xem là chưa gửi cho đến khi người khởi tạo nhận được thông báo của người nhận xác nhận đã nhận được thông điệp dữ liệu đó.
– Trường hợp người khởi tạo đã gửi thông điệp dữ liệu mà không tuyên bố về việc người nhận phải gửi thông báo xác nhận và cũng chưa nhận được thông báo xác nhận thì người khởi tạo có thể thông báo cho người nhận là chưa nhận được thông báo xác nhận và ấn định khoảng thời gian hợp lý để người nhận gửi xác nhận; nếu người khởi tạo vẫn không nhận được thông báo xác nhận trong khoảng thời gian đã ấn định thì người khởi tạo có quyền xem là chưa gửi thông điệp dữ liệu đó.
Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu
Trong trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thoả thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:
– Trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận.
– Địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.
Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử
Theo Điều 34 Luật Giao dịch điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Điều 14 Luật này cũng quy định: Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Như vậy, pháp luật đã ghi nhận tính pháp lý của hợp đồng điện tử và được sử dụng làm chứng cứ trong trường hợp một trong hai bên không thực hiện hợp đồng hoặc vi phạm điều khoản của hợp đồng nhưng phải đảm bảo rằng:
– Nội dung của hợp đồng điện tử được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng thông điệp hoàn chỉnh. Nghĩa là thông điệp đó trong hợp đồng điện tử chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu.
– Nội dung của thông điệp dữ liệu trong hợp đồng điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết nghĩa là thông điệp dữ liệu có thể mở được, đọc được, xem được bằng phương pháp mã hoá hợp pháp đảm bảo độ tin cậy mà các bên thoả thuận với nhau.